Trang chủ » Cơ hội việc làm

Cơ hội việc làm

Cùng chờ đón chương trình: CÔNG BỐ BEAUTY TECH 2024 – HỢP TÁC TOÀN DIỆN BEAUTY TECH VILLAGE – HCCT

Cùng chờ đón chương trình: CÔNG BỐ BEAUTY TECH 2024 – HỢP TÁC TOÀN DIỆN BEAUTY TECH VILLAGE – HCCT

Tới đây vào 8h00’ ngày 14/03/2024 tại Trường Cao đẳng Thương mại và Du lịch Hà Nội – Số 9 Phạm Văn Đồng, Cầu Giấy, Hà Nội sẽ diễn ra Chương trình “Công bố Beauty Tech 2024, Hợp tác toàn diện Làng công nghệ chăm sóc sắc đẹp – Trường Cao đẳng thương mại Du lịch Hà Nội”. Sự kiện thu hút đông đảo các vị khách quý, các cấp ban lãnh đạo, các trường đại học, cao đẳng và toàn thể anh chị em đang hoạt động trong lĩnh vực làm đẹp, giáo dục.

Hé lộ dàn khách mời tham dự Chương trình gồm có: Lãnh đạo Bộ Khoa học công nghệ,  Quý vị quan khách, các Quý thầy cô, BLĐ,  các trường ĐH, các doanh nghiệp trong và ngoài nước, các đơn vị thông tấn báo chí, các bác sỹ, chuyên gia tại các nước…

Về phía Bộ khoa học và công nghệ: 

  1. Ông Phạm Hồng Quất – Cục trưởng Cục phát triển thị trường và doanh nghiệp Khoa học và công nghệ 
  2. Bà Nguyễn Như Quỳnh – Chánh Thanh Tra Bộ khoa học và công nghệ. 
  3.  Ông Lê Toàn Thắng – Phó Giám đốc Trung tâm hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo quốc gia (NSSC)

Về phía Tổng cục giáo dục nghề nghiệp

  1. Ông Phạm Ngọc Thắng – Phó Vụ trưởng Vụ Công tác Học sinh sinh viên, Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp 

Về phía trường Cao đẳng thương mại du lịch Hà Nội: 

  1. Bà Trịnh Thị Thu Hà – Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Thương mại và Du lịch Hà Nội
  2. Bà Lê Diệu Thuý – Trưởng phòng Công tác học sinh sinh viên

Về phía trường Trường Đại học Thuỷ Lợi  

  1. Ông Nguyễn Đình Trinh  – Phó Trưởng phòng công tác học sinh sinh viên trường Đại học Thuỷ Lợi 

Về phía Trường Đại học Mở 

  1. Thạc sỹ Nguyễn Anh Hoàn – Trường Đại học Mở. 

Về phía Ban tổ chức: 

  1. Tiến sỹ Nguyễn Hữu Cường – Chủ tịch Câu lạc bộ bất động sản Hà Nội. 
  2. Ông Trần Tiến Phong – Trưởng làng Công nghệ chăm sóc sắc đẹp 
  3. Bà Đào Thị Lan Phương – Chủ tịch Khối chăm sóc sức khoẻ sắc đẹp và spa thẩm mỹ Việt Nam, Sáng lập Làng công nghệ chăm sóc sắc đẹp. 
  4. Bà Lê Lan Anh – Phó chủ tịch kiêm tổng thư ký Câu lạc bộ bất động sản Hà Nội. 
  5. PGS TS Trần Thị Oanh – Cố vấn Làng công nghệ chăm sóc sắc đẹp, Nguyên Phó cục trưởng Cục quản lý dược Bộ Y tế.  
  6. Bà Phạm Thị Linh Nhâm – Đồng trưởng làng công nghệ chăm sóc sắc đẹp, Chủ tịch HDQT Linh Nhâm LNV 
  7. Bà Trần Thị Thanh Huyền – Đồng trưởng làng công nghệ chăm sóc sắc đẹp, Giám đốc công ty Nemos Việt Nam
  8. Bác sĩ Ngô Thị Quỳnh Trang – Đồng trưởng làng công nghệ chăm sóc sắc đẹp. TGĐ Công ty CP Nghiên cứu và Phát triển Y học tái tạo A&H
  9. Bà Lê Vũ Hải Yến – Đồng trưởng làng công nghệ chăm sóc sắc đẹp, đại diện miền trung. 
  10. Ông Nguyễn Nhựt Kha – Đồng trưởng làng công nghệ chăm sóc sắc đẹp, đại diện miền nam. 
  11. Bà Lê Hằng – Đại diện ban lãnh đạo Beauty Tech Miền Nam. 

Về phía khách mời: 

  1.  Ông Đỗ Mạnh Hùng – Cố vấn làng công nghệ chăm sóc sắc đẹp, TGĐ Công ty cổ phần công nghệ giáo dục Nova 
  2.  Bà Dương Kim Liên – Trưởng làng công nghệ tạo tác động xã hội. 
  3. Ông Đinh Quang Hoè – Cố vấn Làng công nghệ chăm sóc sắc đẹp, Chủ tịch HDQT Học viện thẩm mỹ quốc tế Evaxinh.
  4. Nhà báo Nguyễn Thanh Tâm – Báo pháp luật Việt Nam, 
  5. Ông Nguyễn Trọng Phương – TGĐ Công ty Happy life 

Cùng các lãnh đạo hiệu trưởng, Phó Hiệu trưởng các nhà trường, các Ban giám khảo, Huấn luyện viên, các nhà tài trợ, chuyên gia ngành công nghệ chăm sóc sắc đẹp trong nước – quốc tế đã đồng hành để xây dựng nên sự thành công của chương trình. 

Với nhiều hoạt động nổi bật như: Công bố chiến lược làng công nghệ chăm sóc sắc đẹp, Chia sẻ hành trình cuộc thi Beauty Tech 2024, Tham luận 1: Tiềm năng phát triển giáo dục đào tạo lĩnh vực chăm sóc sức khoẻ sắc đẹp KBeauty và F Beaute tại Việt Nam và cơ hội phát triển định hướng ngành. Tham luận 2: Công tác quản lý chất lượng sản phẩm ngành công nghệ chăm sóc sắc đẹp và hoạt động quy định pháp luật của ngành nghề cần được định hướng phát triển như thế nào trong những năm tới. Tham luận 3: Vai trò – nhiệm vụ – thách thức của các  doanh nghiệp nữ trong công nghệ đang thay đổi nhanh chóng hiện nay và những sự hỗ trợ của Chính phủ Bộ ngành Việt Nam và các nước trên thế giới. Chương trình: Toạ đàm quy mô phát triển ngành công nghệ chăm sóc sắc đẹp. Cùng lễ ký kết hợp tác giữa trường Đại học Thuỷ lợi và các doanh nghiệp Làng công nghệ chăm sóc sắc đẹp trong công tác hỗ trợ các dự án khởi nghiệp của nhà trường.

Đây là sự kiện thu hút rất nhiều sự chú ý, quan tâm của cộng đồng trong đầu năm 2024. Rất mong nhận được sự tham dự và ủng hộ của quý khách mời, các vị đại biểu, các anh chị trong và ngoài ngành làm đẹp, các bạn sinh viên. Mọi thông tin chi tiết về chương trình, xin vui lòng liên hệ:

Trưởng làng công nghệ chăm sóc sắc đẹp Ông Trần Tiến Phong:

Điện thoại: 0913.848.323

Thêm thông tin liên hệ bà Lê Lan Anh – CLB bất động sản Hà Nội:

Điện thoại: 0911.102.879

Hành trình xây dựng & phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp ĐMST của Đà Nẵng

Hành trình xây dựng & phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp ĐMST của Đà Nẵng

Tuy là hệ sinh thái non trẻ nhưng cùng với Thủ đô Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh, Đà Nẵng được Trung ương xác định là một trong ba trung tâm khởi nghiệp ĐMST của cả nước. Để có được những bứt phá như hiện nay, Đà Nẵng đã tận dụng được tối đa lợi thế về địa lý, nền tảng kinh tế – xã hội vững chắc cũng như sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị. Đà Nẵng đang ngày càng vươn lên khẳng định vị thế trong Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung, trở thành cầu nối khu vực miền Trung – Tây Nguyên và cả nước, tiến tới trở thành trung tâm khởi nghiệp đổi mới sáng tạo hàng đầu Đông Nam Á.

Hành trình hình thành và phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp ĐMST của Đà Nẵng có thể chia thành 3 giai đoạn dựa trên mức độ phát triển của hệ sinh thái.

Giai đoạn truyền cảm hứng, khát vọng (2014 – 2015)

Đây là giai đoạn kích hoạt của hệ sinh thái với văn bản đầu tiên là “Năm doanh nhân Đà Nẵng 2014” và Chương trình “Phát triển khởi nghiệp Đà Nẵng 2016” khơi dậy tinh thần doanh nhân. Bên cạnh đó, Nghị Quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ TP. Đà Nẵng lần thứ XXI, nhiệm kỳ 2015-2020 cũng tập trung vào ba hướng chính trong đó chú trọng phát triển mạnh các ngành dịch vụ, nhất là du lịch, thương mại; tập trung thu hút đầu tư vào lĩnh vực công nghiệp công nghệ cao, công nghệ thông tin; đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ và có trọng điểm; xây dựng và phát triển văn hóa, văn minh đô thị, xây dựng thành phố môi trường. Ngoài ra, chương trình “Thành phố 4 an” (An ninh trật tự, An toàn giao thông, An toàn vệ sinh thực phẩm, An sinh xã hội) được tập trung chỉ đạo, gắn liền với Chương trình “thành phố 5 Không”, (Không có hộ đói, Không có người mù chữ, Không có người lang thang xin ăn, Không có người nghiện ma túy không được kiểm soát trong cộng đồng, không có giết người cướp của) và “Thành phố 3 Có” (Có nhà ở, Có việc làm, Có nếp sống văn minh đô thị) cùng đề án “Xây dựng Đà Nẵng – thành phố môi trường” cũng đã tạo ra môi trường cho các doanh nghiệp, nhà đầu tư yên tâm đầu tư vào Đà Nẵng.

Hình 2. Hệ sinh thái khởi nghiệp ĐMST Đà Nẵng giai đoạn 2014 – 2015

Các tổ chức hỗ trợ khởi nghiệp cũng được hình thành và hoạt động tích cực như CLB Kiến tạo khởi nghiệp (9Start Lab), Hội đồng Điều phối mạng lưới khởi nghiệp TP. Đà Nẵng, CLB Sáng tạo trẻ Đà Nẵng (Hiệp hội Khoa học và Công nghệ) và các CLB trong các trường đại học như CLB Khởi nghiệp Bách Khoa (Trường Đại học Bách Khoa – Đại học Đà Nẵng) và Câu lạc bộ khởi nghiệp Duy Tân (Đại học Duy Tân). 

 Trong giai đoạn này, trên địa bàn TP. Đà Nẵng đã hình thành một vài không gian làm việc chung như Fablab Da Nang, The Hub, Enouvo Space. Một số quỹ có các hoạt động hỗ trợ khởi nghiệp của Đà Nẵng như: PVNi, Lotus Fund, IPP (Chương trình Đối tác Đổi mới Sáng tạo Việt Nam – Phần Lan), Innofund của Dự án BIPP (dự án song phương được Vương quốc Bỉ tài trợ cho Việt Nam từ nguồn vốn ODA không hoàn lại thông qua Cơ quan Phát triển Bỉ ), Quỹ khuyến khích đổi mới công nghệ Hồ Nghinh.

Một số chương trình ươm tạo doanh nghiệp đầu tiên được triển khai như Chương trình “100 hạt giống doanh nhân Đà Nẵng” của Trung tâm Hỗ trợ và Phát triển DNNVV Đà Nẵng (DATADC), Chương trình “Ươm mầm ý tưởng sáng tạo và khởi nghiệp công nghệ thông tin” của trường Cao đẳng CNTT Đà Nẵng, Chương trình ươm tạo của Vườn ươm Sáng tạo (Trung tâm Sáng tạo Microsoft Đại học Duy Tân). Nhiều sự kiện lớn nhỏ được tổ chức trên khắp địa bàn TP. Đà Nẵng với mục tiêu tạo ra môi trường khuyến khích tinh thần sáng tạo và khởi nghiệp, đặc biệt là khởi nghiệp công nghệ. Các sự kiện tổ chức theo nhiều mô hình phong phú đa dạng bao gồm hội thảo, các buổi nói chuyện, chương trình đào tạo, chia sẻ kinh nghiệm, trao đổi góp ý xây dựng chính sách…với quy mô lên đến hàng trăm người. Nhiều sự kiện tổ chức theo các mô hình quốc tế như Barcamp, Startup Weekend và Dev Fest.

Nhiều nhóm khởi nghiệp đã hình thành và phát triển với các ý tưởng và sản phẩm khởi nghiệp đa dạng, bao phù hầu hết mọi lĩnh vực bao gồm công nghệ cao, thương mại, sản xuất, dịch vụ, du lịch v.v.. Nhiều sản phẩm có ý nghĩa đối với hoạt động kinh tế xã hội TP. Đà Nẵng như: Sản xuất chất tẩy rửa từ rác thải hữu cơ thực vật; Indanang – ứng dụng di động hỗ trợ người dân và du khách; Thiết bị đếm xe tự động BK I-tec sử dụng trong lĩnh vực xây dựng cầu đường; Nhà sách thông minh B-smart; Smart-Tutor: Dự án website về gia sư, Công nghệ quản lý khách sạn trên Web App; Robot kiểm tra cầu sắt, …

Hình 3. Một số sự kiện khởi nghiệp đầu tiên của Đà Nẵng

Mặc dù giai đoạn này đã chứng kiến nhiều hoạt động khởi nghiệp nổi trội, tuy nhiên, Đà Nẵng vẫn còn gặp nhiều thách thức trong việc hình thành và phát triển hệ sinh thái như chính quyền và người dân còn thiếu nhận thức và văn hóa khởi nghiệp; thiếu nguồn nhân lực chất lượng cao hỗ trợ, tư vấn và tham gia khởi nghiệp; thiếu liên kết giữa thành phố với các địa phương khác trong hỗ trợ khởi nghiệp, đặc biệt là Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh và cấp trung ương. Bên cạnh đó, hoạt động quảng bá khởi nghiệp của Đà Nẵng còn chưa hiệu quả, mang tính tự phát và nhỏ lẻ, không định hướng về quy mô cũng như được đầu tư về chất lượng. Các vườn ươm còn còn sơ khai và thiếu nhiều dịch vụ có chất lượng cao cho các doanh nghiệp khởi nghiệp. Đà Nẵng cũng chưa xây dựng được những doanh nghiệp khởi nghiệp thành công điển hình của thành phố. Quỹ đầu tư, không gian làm việc chung, các chương trình đào tạo khởi nghiệp tại các trường đại học vẫn còn hạn hẹp.

Giai đoạn định hình phát triển (2016 – 2019)

Để tiếp nối những thành tựu đạt được cũng như khắc phục những hạn chế của giai đoạn đầu, trong giai đoạn này, theo định hướng của Đề án 844, Đà Nẵng ban hành 4 đề án thúc đẩy hoạt động khởi nghiệp đổi mới sáng tạo để định hình phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo của Đà Nẵng, gồm:

– Đề án “Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia đến năm 2025” giai đoạn 2017-2018 trên địa bàn TP. Đà Nẵng;

– Đề án “Phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp thành phố Đà Nẵng đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030”;

– Đề án “Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới quốc gia đến năm 2025” trên địa bàn thành phố năm 2019; và

– Đề án “Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới quốc gia đến năm 2025” trên địa bàn thành phố năm 2020.

Hoạt động hỗ trợ khởi nghiệp của Đà Nẵng trong giai đoạn này tập trung vào 4 nhiệm vụ trọng tâm: (1) nâng cao nhận  thức về tầm quan trọng của vấn đề khởi sự doanh nghiệp trong phát triển kinh tế – xã hội của thành phố, qua đó, xây dựng các chính sách hỗ trợ cụ thể nhằm tăng cường khả năng hiện thực hoá dự án khởi nghiệp; (2) đáp ứng nhu cầu hỗ trợ khởi nghiệp của các tổ chức, cá nhân thông qua các hình thức như tập huấn, đào tạo kĩ năng; hỗ trợ tài chính, mặt bằng sản xuất – kinh doanh, nguồn nhân lực, xúc tiến đầu tư, thương mại, (3) phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp thông qua việc kết nối có hiệu quả các nguồn lực hỗ trợ khởi nghiệp, bao gồm: chính quyền, trường đại học, viện nghiên cứu, tổ chức kinh tế, tổ chức xã hội – nghề nghiệp, chuyên gia, nhà đầu tư và (4) thúc đẩy hội nhập quốc tế của doanh nghiệp, có các sản phẩm, thương hiệu ra khu vực và thế giới để đóng góp thiết thực vào sự phát triển kinh tế – xã hội của TP. Đà Nẵng.

Bên cạnh đó, Đà Nẵng cũng triển khai Đề án “Đào tạo và Huấn luyện khởi nghiệp sáng tạo tại thành phố Đà Nẵng giai đoạn 2018 – 2020” với sản phẩm là bộ giáo trình khởi nghiệp sáng tạo dùng chung cho các trường Đại học và các khóa đào tạo khởi nghiệp. 

Hình 4. Hệ sinh thái khởi nghiệp ĐMST Đà Nẵng giai đoạn 20116 – 2019

Cùng với việc ban hành cơ chế chính sách hỗ trợ khởi nghiệp, Đà Nẵng tập trung mạnh mẽ vào hoạt động ươm tạo tại các tổ chức thúc đẩy và hỗ trợ khởi nghiệp bởi vườn ươm là trái tim của hệ sinh thái khởi nghiệp. Các tổ chức này được ra đời đa dạng theo các mô hình nhà nước, đối tác công – tư và tư nhân như Vườn ươm doanh nghiệp Đà Nẵng (đối tác công – tư); Trung tâm Ươm tạo khởi nghiệp Sông Hàn (tư nhân); Vườn ươm Evergreen Labs – Trung tâm khởi nghiệp và sáng tạo (Sở Khoa học và Công nghệ Đà Nẵng), Vườn ươm Doanh nghiệp công nghệ thông tin TP. Đà Nẵng và Chương trình ươmg tạo doanh nghiệp công nghệ cao của Khu công nghệ cao Đà Nẵng (nhà nước). Sự có mặt của các tổ chức ươm tạo đã góp phần thúc đẩy hoạt động hỗ trợ khởi nghiệp phát triển và lan tỏa đến các trường đại học, cao đẳng, cộng đồng doanh nhân của thành phố, thậm chí cả các địa phương lân cận như Huế, Quảng Nam, Quãng Ngãi,… Cũng thông qua các tổ chức hỗ trợ khởi nghiệp của Đà Nẵng, hệ sinh thái khởi nghiệp từng bước hình thành như mạng lưới mentor (cố vấn khởi nghiệp), mạng lưới các nhà đầu tư, mạng lưới các tổ chức hỗ trợ khởi nghiệp. Trong 3 năm 2016 – 2019, các vườn ươm đã ươm tạo hơn 60 dự án khởi nghiệp, tập trung ở các lĩnh vực du lịch, nông nghiệp, chăm sóc sức khỏe, giáo dục, thực phẩm, công nghệ thông tin, giao thông vận tải, môi trường. Một số dự án đã gọi được vốn đầu tư.

Cùng với đó, Vườn ươm Doanh nghiệp Đà Nẵng (DNES) chính thức khai trương Da Nang Coworking Space (DNC) – Không gian làm việc chung quy mô lớn đầu tiên tại Đà Nẵng với tổng diện tích sử dụng là 1954m2 và “Không gian làm việc chung” thứ 2 mang tên SURFSPACE với tổng diện tích 1.000 m2.

Tiếp đó, Đà Nẵng phối hợp với Chương trình Phát triển liên hiệp quốc (UNDP) thực hiện Đề án “Nghiên cứu thử nghiệm xây dựng mô hình City Lab – gắn kết phát triển kinh tế ban đêm và du lichj cho TP. Đà Nẵng” với ý tưởng “Đưa thế giới đến với Đà Nẵng”. Xây dựng thành phố trở thành City Lab trong tương lai là cơ hội để Đà Nẵng kết nối và học hỏi với các City Labs trên thế giới, thúc đẩy giải pháp thử nghiệm đổi mới sáng tạo nhằm đạt các mục tiêu phát triển bền vững của thành phố. Trong đó, đặc biệt chú trọng giải quyết các vấn đề về môi trường (như rác thải nhựa), ứng dụng các giải pháp điện tử đổi mới sáng tạo để tăng cường các dịch vụ hành chính công và các sáng kiến khác.

Đà Nẵng cũng hỗ trợ các trường đại học, cao đẳng, viện nghiên cứu, tổ chức hỗ trợ khởi nghiệp… tổ chức nhiều khóa đào tạo, tập huấn nhằm cung cấp kiến thức về khởi nghiệp đổi mới sáng tạo và hỗ trợ xây dựng chương trình, nội dung đào tạo, đồng thời kết nối với các nhà đầu tư từ Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia, Singapo đến tìm hiểu, khảo sát môi trường đầu tư.

Về thông tin truyền thông, Báo Đà Nẵng, Báo Công an thành phố, Báo Diễn đàn doanh nghiệp, Đài Phát thành và Truyền hình Đà Nẵng, Cổng thông tin điện tử thành phố… đã xây dựng chuyên mục riêng về khởi nghiệp, đăng tải các bài viết về khởi nghiệp, đồng thời thường xuyên đưa tin tức về hoạt động khởi nghiệp trên địa bàn thành phố. Các sự kiện nổi bật của Đà nẵng trong giai đoạn này gồm: “Hội nghị và Triển lãm khởi nghiệp Đà Nẵng – Startup Fair 2016”, Cuộc thi “Danang Startup Runway 2016”, Ngày hội khởi nghiệp sáng tạo – SURF hằng năm, Hội nghị đối thoại doanh nghiệp, phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ tổ chức Ngày hội khởi nghiệp quốc gia -Techfest 2018. Bên cạnh đó, Đà Nẵng tổ chức Chương trình đối thoại Thanh niên – chủ đề Thanh niên khởi nghiệp; Cuộc thi “Thực tập sinh khởi nghiệp” – Startup Intern 2017; Cuộc thi khởi nghiệp du lịch vùng Mekong – MIST; và các sự kiện liên quan khởi nghiệp bên lề APEC 2017,  … Ngoài ra, bắt đầu từ năm 2016, Sở KH&CN phối hợp với các đơn vị khác tổ chức Cuộc thi Sinh viên nghiên cứu khoa học hằng năm, Ngày hội “Kết nối ý tưởng sáng tạo – khởi nghiệp”, Ngày hội Phụ nữ khởi nghiệp; Khởi nghiệp cuối tuần Startup Weekend. 

 Các dự án và doanh nghiệp khởi nghiệp của thành phố trong giai đoạn này cũng đã bắt đầu gặt hái được các thành quả nhất định. Một số dự án đã giành được các giải cao trong các cuộc thì khởi nghiệp ĐMST của cả nước gồm AntBuddy, Minh Hong, S&E. Một số doanh nghiệp khởi nghiệp khác cũng đã thành công trong việc gọi vốn đầu tư như Zody, Hekate,…

Hình 5. Một số sự kiện khởi nghiệp nổi bật của Đà Nẵng giai đoạn 2016-2019

Giai đoạn này chứng kiến sự vào cuộc và chỉ đạo quyết liệt của tất cả các cấp chính quyền, đoàn thể, doanh nghiệp và doanh nhân. Nhận thức về vai trò của khởi nghiệp đối với phát triển kinh tế – xã hội của thành phố ngày càng tăng. Hệ sinh thái khởi nghiệp của Đà Nẵng cơ bản đã hình thành với đầy đủ các thành tố đáp ứng được nhu cầu hỗ trợ và phát triển khởi nghiệp cũng như bắt đầu hợp tác với các tổ chức quốc tế. Tuy nhiên các nguồn lực vẫn chưa thực sự được gắn kết, cơ sở hạ tầng và chính sách hỗ trợ khởi nghiệp vẫn cần được tiếp tục hoàn thiện để thu hút các nhà đầu tư và các tập đoạn lớn trong và ngoài nước đến với Đà Nẵng.

Giai đoạn hội tụ nguồn lực nền tảng (2020 – 2022)

Ở giai đoạn này, các nguồn lực nền tảng bắt đầu được hội tụ và kết nối là tiền đề cho giai đoạn sau (tăng tốc) với sự ban hành hàng loạt các chính sách thúc đẩy hệ sinh thái khởi nghiệp như Chương trình và kế hoạch thực hiện Chương trình 36-CTr/TU Phát triển công nghiệp CNC, xây dựng Đà Nẵng thành Trung tâm khởi nghiệp ĐMST tầm quốc gia, là khu đô thị sáng tạo – KH-CN đạt đẳng cấp quốc tế, có sức cạnh tranh cao; Đề án Xây dựng Đà Nẵng thành trung tâm KN ĐMST quốc gia tại khu vực miền Trung – Tây Nguyên; Quy định về nội dung và mức chi từ NSNN để thực hiện hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp ĐMST trên địa bàn TP. Đà Nẵng đến năm 2025; Đề án “Hỗ trợ Hệ sinh thái khởi nghiệp ĐMST quốc gia đến năm 2025” trên địa bàn TP. Đà Nẵng năm 2021; và Đề án “Hỗ trợ HST KN ĐMST quốc gia đến năm 2025” trên địa bàn TP. Đà Nẵng giai đoạn 2022-2025.

Bên cạnh đó, để huy động sự tham gia của thanh niên và phụ nữ trên địa bàn thành phố, Đà Nẵng ban hành Đề án “Thanh niên khởi nghiệp giai đoạn 2020-2022” và Kế hoạch Triển khai thực hiện Đề án “Hỗ trợ Phụ nữ khởi nghiệp” năm 2021. Cùng với đó, Đà Nẵng ban hành Đề án “Xây dựng Đà Nẵng – thành phố môi trường” giai đoạn 2021 – 2030; Chương trình chuyển đổi số trên địa bàn TP. Đà Nẵng đến năm 2025, định hướng đến năm 2030; Chương trình phát triển công nghiệp hỗ trợ trên địa bàn TP. Đà Nẵng giai đoạn 2022 – 2025 nhằm tạo ra một môi trường thuận lợi nhất cho khởi nghiệp cũng như thu hút đầu tư từ các tập đoàn, tổ chức trong và ngoài nước. Với những nỗ lực mạnh mẽ và liên tục của chính quyền Đà Nẵng, 2 năm liền TP. Đà Nẵng vinh dự nhận được Giải thưởng Thành phố Thông minh Việt Nam do Hiệp hội Phần mềm và Dịch vụ CNTT Việt Nam (VINASA) tổ chức. Trong đó, năm 2020, TP. Đà Nẵng nhận được 3 giải thưởng chuyên đề gồm: Thành phố Dịch vụ công thông minh; Thành phố Hạ tầng số thông minh và Thành phố hấp dẫn khởi nghiệp ĐMST. Năm 2021, Đà Nẵng nhận được 3 giải thưởng chuyên đề: Thành phố Điều hành, quản lý thông minh, Thành phố Y tế thông minh, Thành phố Quản lý môi trường thông minh, xanh sạch.

Cùng với các Chương trình được triển khai trước đó như Chương trình “Thành phố 4 An”, “Thành phố 5 Không” và “Thành phố 3 Có”, đến giai đoạn này có thể khẳng định “Đà Nẵng có thể chưa phải nơi tốt nhất, nhưng sẽ là nơi tin cậy nhất để khởi nghiệp” như nhận định của TS. Lê Đức Viên, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ TP. Đà Nẵng.

Cùng với việc hoàn thiện cơ chế chính sách thúc đẩy  khởi nghiệp ĐMST, Đà Nẵng tăng cường sự kết nối mạng lưới với các thành tố trong hệ sinh thái thông qua việc tham gia các sự kiện, triển lãm, cuộc thi về khởi nghiệp ĐMST trong nước và quốc tế. Các doanh nghiệp, vườn ươm, đội thi của Thành phố đã  đạt thành tích cao. Đà Nẵng cũng đã kết nối với đối tác, nhà đầu tư, khách hàng từ CHLB Đức, Hàn quốc, Singapore, Nhật Bản, Hoa Kỳ. Các đơn vị trong thành phố đẩy mạnh hợp tác, liên  kết trong việc tổ chức các hoạt động ươm tạo doanh nghiệp công nghệ cao tại khu công nghệ cao và các khu công nghiệp Đà Nẵng, giữa vườn ươm và cơ sở  giáo dục, kết nối 6 tỉnh Miền Trung từ Huế đến Phú Yên và tại TP. Hồ  Chí Minh và Hà Nội về du lịch; tổ chức các hội nghị, diễn đàn, tọa đàm, hội thảo, Festival Khởi khởi nghiệp ĐMST ; Festival “Sáng tạo trẻ” 2020 thông qua sự kiện đã kết nối học sinh, sinh viên, thanh niên  với các doanh nghiệp.

Hình 6. Hệ sinh thái khởi nghiệp ĐMST Đà Nẵng giai đoạn 2020 – 2022

Bên cạnh đó, Đà Nẵng cũng tích cực Phát triển cơ sở vật chất – kỹ thuật phục vụ hoạt động khởi nghiệp ĐMST: hoàn thiện và đưa vào sử dụng Khu Ươm tạo doanh nghiệp công nghệ cao tại Trung tâm Dịch vụ tổng  hợp, Khu CNC Đà Nẵng; tiếp tục triển khai Dự án Khu làm việc và Đào tạo khởi nghiệp Đà Nẵng; Xây dựng Cổng thông tin Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo TP.  Đà  Nẵng (Giai đoạn 1, 2); thành lập Trung tâm Hỗ trợ khởi nghiệp ĐMST Đà Nẵng; khảo sát, lập Đề án Trung tâm khởi nghiệp ĐMST quốc gia tại Đà Nẵng; Ứng dụng giải pháp triển lãm thực tế ảo trong hoạt động phát triển thị trường KH&NC của TP. Đà Nẵng (giai đoạn 1, 2).

Đà Nẵng đã hỗ trợ cho nhiều doanh nghiệp/dự án khởi nghiệp ĐMST với tổng kinh phí giai đoạn 2017-2022 là 31.868 triệu đồng (Bảng 1). Một số dự án tiêu biểu được hỗ trợ gần đây có thể kể đến: Chương trình ươm tạo FINC của Vườn ươm doanh nghiệp Đà Nẵng và Chương trình tăng tốc khởi nghiệp du lịch VTS 2021 của Trung tâm Ươm tạo khởi nghiệp Sông Hàn; dự án “Giường ngủ thông minh” , dự án “Balo tái tạo năng lượng” , dự án Máy tái chế rác, dự án ống hút từ rơm, dự án Happy Mask- Khẩu trang từ bã mía,…

Bảng 1. Kinh phí cho hoạt động khởi nghiệp qua các năm trên địa bàn thành phố Đà Nẵng

Hình 7. Kinh phí cho hoạt động khởi nghiệp qua các năm trên địa bàn thành phố Đà Nẵng

Một số dự án nổi bật và thành công của Đà Nẵng trong giai đoạn này:

Dự án EM & AI của Công ty CP EM and AI là 1 trong 8 dự án của TP. Đà Nẵng hỗ trợ tham gia Techfest 2020 đạt Á quân Cuộc thi Tìm  kiếm tài năng khởi nghiệp quốc gia năm 2020. Bên cạnh đó EM &AI cũng đạt  Giải nhất Cuộc thi Startup Pitching lĩnh vực công nghệ số do VINASA trao  tặng; là 1 trong 3 dự án được chọn ghi hình trong Chương trình Shark Tank  2021; được nhận phần thưởng là khoá huấn luyện tăng tốc khởi nghiệp do chuyên gia nước ngoài đào tạo trị giá 65.000 USD; được xem xét nhận khoản đầu tư 500 triệu đồng.

Robot trí tuệ nhân tạo NYM của dự án Hekate Đà Nẵng (Công  ty Cổ phần Công nghệ Hekate) được Ban Tổ chức chọn làm sản phẩm tiêu biểu cho sáng tạo Việt Nam trong lễ khai mạc Techfest 2020. Robot NYM với  ứng dụng trí tuệ nhân tạo đã trực tiếp đối thoại với 3 thanh niên về khởi nghiệp  trên sân khấu tại Lễ khai mạc. Nhóm Dự án Hekate đã được gặp Thủ tướng  Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc để giới thiệu về Robot NYM. Đây cũng là Công  ty đã nhận được gói hỗ trợ 212 triệu đồng từ Sở Khoa học và Công nghệ để phát  triển sản phẩm.

Dự án “Umbalena – Ứng dụng đọc sách dành cho trẻ em Việt Nam từ 2 – 6 tuổi” của Công ty TNHH Công nghệ VOOC đạt giải quán quân cuộc thi Techfest 2020.

Dự án MultiGlass của Công ty CP Multi Việt Nam đạt giải nhì Cuộc thi  “Thử thách khởi nghiệp Việt toàn cầu – VietChallenge” năm 2020 do Hội Thanh  niên – Sinh viên Việt Nam tại Mỹ tổ chức cho người Việt Nam trên toàn thế giới là một trong các hoạt động thuộc đề án “Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới  sáng tạo quốc gia đến năm 2025” do Bộ Khoa học và Công nghệ chủ trì. Đồng  thời, sản phẩm kính thông minh MultiGlass còn đạt 3 giải thưởng đó là: là đội chiến thắng hạng mục “Công  nghệ tạo tác động” trong sự kiện vinh danh doanh nghiệp tạo tác động xã hội Việt Nam 2020 (iMap Choice 2020) do Trung tâm Khởi nghiệp và Sáng tạo Xã  hội (Trường Đại học Kinh tế Quốc dân – Hà Nội) phối hợp Đại sứ quán Ireland  tại Việt Nam tổ chức; Giải thưởng Đối Tác Sáng tạo Xã hội Châu Á Thái Bình  Dương năm 2020 ở hạng mục Doanh nghiệp toàn diện do Bộ Kinh tế Đài Loan và KPMG Consulting Group tổ chức; và Giải thưởng top 25 startup tiêu biểu năm 2020 do Báo Tuổi trẻ, Hội liên hiệp Thanh niên Việt Nam TP. Hồ Chí  Minh tổ chức.

Dự án “Hệ thống nhặt rác biển thông minh” do nhóm sinh viên Trường  Đại học Bách khoa – Đại học Đà Nẵng giành giải “Trình bày xuất sắc nhất”  tại Cuộc thi Đổi mới sáng tạo kỹ thuật eProjects 2020, tổ chức tại TP. Hồ  Chí Minh. Dự án đưa ra giải pháp nhặt rác thải nhựa, tự động kiểm tra chất  lượng nước và tiết kiệm nhiên liệu tối ưu. Đây là sản phẩm nghiên cứu khoa học  công nghệ liên ngành (cơ khí, điều khiển tự động hóa và công nghệ thông tin).

Dự án Áo phao thông minh đạt giải Nhất vòng “Mô phỏng kinh doanh” tại cuộc thi “Maker to Entrepreneur” (Từ sáng tạo đến khởi nghiệp”) do Cơ quan  phát triển quốc tế Mỹ (USAID), Đại học Bang Arizona (Mỹ) và Chương trình  STEM Dow Việt Nam phối hợp tổ chức.

Dự án “Balo tái tạo năng lượng” đạt giải Nhì quốc gia cuộc thi “Scheider Go green in the City” do tập đoàn Schneider Electric Việt Nam tổ chức;

Hình 8. Một số sự kiện khởi nghiệp của Đà Nẵng giai đoạn 2020 – 2022

Trong giai đoạn này, Đà Nẵng đã hội tụ được nguồn lực nền tảng, gặt hái được những thành công nhất định, tạo nên tiêng vang trong hệ sinh thái khởi nghiệp trong nước và quốc tế, là tiền đề để bước vào giai đoạn tăng tốc. Các cơ quan, đơn vị trên địa bàn thành phố trong đã chủ động, tích cực triển khai các hoạt động hỗ trợ khởi nghiệp, trong đó tập trung vào công tác xây dựng cơ chế chính sách, ươm tạo, hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp ĐMST, hỗ trợ kết nối dự án/doanh nghiệp khởi nghiệp ĐMST với các  thành phần trong hệ sinh thái và đã đạt được các giải thưởng cao về khởi nghiệp ĐMST. 

Tuy nhiên, do quy mô kinh tế nhỏ và chưa thật sự bền vững, Đà Nẵng chưa có các doanh nghiệp kỳ lân và chưa có tên trong các bảng xếp hạng Hệ sinh thái khởi nghiệp toàn cầu. Chính vì vậy, Đà Nẵng đặt mục tiêu đến năm 2030, hình thành 2 – 5 doanh nghiệp kỳ lân, thu hút từ 1 – 3 doanh nghiệp công nghệ tầm cỡ thế giới, 3 – 5 doanh nghiệp công nghệ hàng đầu trong nước đến đầu tư vào các hoạt động NC&PT tại thành phố Đà Nẵng; đến năm 2030, nâng cấp hệ sinh thái ĐMST của TP. Đà Nẵng lên tầm quốc tế tương đương với một số hệ sinh thái ĐMST lớn trong khu vực Đông Nam Á, được các tổ chức quốc tế thừa nhận, đánh giá và xếp hạng.

Theo Nguyễn Lê Hằng (NASATI)