Để thành nền kinh tế có thu nhập cao, Việt Nam cần những động lực tăng trưởng mới
“Việt Nam sẽ cần những động lực mới cho tăng trưởng kinh tế để có thể đạt được tham vọng trở thành một nền kinh tế có thu nhập cao vào năm 2045. Đổi mới sáng tạo sẽ là nền tảng cơ bản trong việc nâng cao thu nhập và cải thiện chất lượng tăng trưởng.”
Nhận định trên được bà Carolyn Turk, Giám đốc Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam nhấn mạnh trong buổi lễ ra mắt hai báo cáo: “Khoa học, Công nghệ và Đổi mới sáng tạo Việt Nam” và “Đổi mới công nghệ ở Việt Nam – Đánh giá tác động của công nghệ đến tăng trưởng kinh tế” được Bộ Khoa học và Công nghệ, Ngân hàng Thế giới (WB) và Đại sứ quán Australia tại Việt Nam công bố.
Trong khi đó, bà Robyn Mudie, Đại sứ Australia tại Việt Nam khẳng định, đây sẽ là tài liệu tham khảo quan trọng về chính sách trong quá trình chuyển đổi kinh tế của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Vì vậy, bà Robyn Mudie hy vọng Bộ Khoa học và Công nghệ sẽ khai thác tối đa các báo cáo để xây dựng các chính sách khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo quốc gia thiết thực về lâu dài.
“VIỆT NAM CẦN NHỮNG ĐỘNG LỰC MỚI CHO TĂNG TRƯỞNG KINH TẾ”
Mở đầu sự kiện, Bộ trưởng Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt cho biết, hai báo cáo vừa được công bố là thành quả của sự hợp tác trong hơn 03 năm qua của các chuyên gia, nhà khoa học trong nước và quốc tế. Các báo cáo đã chỉ rõ vai trò đóng góp quan trọng của khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo trong tăng trưởng kinh tế – xã hội ở Việt Nam.
Và đây cũng là con đường để Việt Nam tiến về phía trước, không ngừng hoàn thiện và nâng cao năng lực hệ sinh thái đổi mới sáng tạo.
“Chúng tôi sẽ tiếp tục tăng cường hệ thống đổi mới sáng tạo quốc gia để thúc đẩy mạnh mẽ hơn quá trình sáng tạo, truyền bá, ứng dụng tri thức và công nghệ phục vụ các mục tiêu phát triển bền vững đất nước đến năm 2030 và 2045”, ông Đạt nói.
Theo bà Carolyn Turk, Giám đốc Quốc gia WB tại Việt Nam, sự phát triển của các nền kinh tế Đông Á trong thập kỷ qua rất đáng chú ý khi giúp hàng triệu người thoát nghèo. Tuy nhiên bà cho rằng, các thách thức về xung đột toàn cầu, đại dịch COVID-19 và tăng trưởng năng suất toàn cầu chậm lại khiến khu vực khó bắt kịp. Đây cũng chính là vấn đề của Việt Nam.
Đại diện của WB đánh giá biến đổi khí hậu làm gia tăng tính tổn thương, trong khi đó đại dịch đảo ngược kết quả giảm nghèo. Điều này càng cho thấy tầm quan trọng của đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số với phát triển kinh tế cũng như quá trình số hóa.
Bà Carolyn Turk nhận định Việt Nam sẽ cần những động lực mới cho tăng trưởng kinh tế để có thể đạt được tham vọng trở thành một nền kinh tế có thu nhập cao vào năm 2045. Và đổi mới sáng tạo sẽ là nền tảng cơ bản trong việc nâng cao thu nhập và cải thiện chất lượng tăng trưởng.
Tuy nhiên, có nhiều cách tiếp cận khác nhau để thúc đẩy đổi mới sáng tạo và báo cáo này đưa ra những ý tưởng có thể phù hợp cho Việt Nam.
“Đổi mới sáng tạo sẽ trở thành chìa khóa để vượt qua các thách thức hiện có, là chiến lược đột biến cho đổi mới sáng tạo Việt Nam”, Giám đốc WB tại Việt Nam cho biết.
CHÌA KHÓA ĐỂ VIỆT NAM NẮM BẮT NHỮNG CƠ HỘI VÀ THÁO GỠ CÁC NÚT THẮT?
Đề cập đến Báo cáo “Đổi mới công nghệ ở Việt Nam: Đánh giá tác động của công nghệ đến tăng trưởng kinh tế”, bà Robyn Mudie, Đại sứ Australia tại Việt Nam cho biết báo cáo này đã đưa ra 5 khuyến nghị chính sách đối với Việt Nam trong giai đoạn tới.
Đó là: Tăng cường đổi mới công nghệ giữa các doanh nghiệp; nâng cao hiệu suất kỹ thuật giữa các doanh nghiệp; thúc đẩy nghiên cứu – phát triển (R&D) và các ngành công nghiệp mới nổi để nâng cao đường biên công nghệ; phát triển nguồn nhân lực và phát triển các công cụ, chính sách và cơ chế thực hiện để điều phối tổng thể và tăng cường các nỗ lực phát triển công nghệ.
Khuyến nghị trên dựa trên sự thu thập và phân tích dữ liệu trong giai đoạn gần 20 năm qua nhằm lượng hóa mức độ đóng góp của tiến bộ công nghệ vào tăng trưởng kinh tế với Việt Nam.
Báo cáo cho rằng Việt Nam hiện đang bước vào giai đoạn phát triển kinh tế tiếp theo. Trong khi giai đoạn trước dựa trên phát triển thị trường và chuyển từ phụ thuộc vào sản lượng nông nghiệp sang sản xuất thì giai đoạn tiếp theo sẽ cần tập trung vào năng suất.
Theo bà Robyn Mudie, đổi mới và sáng tạo công nghệ là chìa khóa để Việt Nam duy trì tốc độ tăng trưởng nhanh, bền vững và đi tắt đón đầu trong giai đoạn phát triển tiếp theo.
Trong đó, vai trò của người lãnh đạo cùng với thể chế mạnh sẽ là chìa khóa để Việt Nam nắm bắt những cơ hội này và tháo gỡ các nút thắt để không ngừng phát triển mạnh mẽ hơn nữa.
TĂNG CƯỜNG ĐẦU TƯ CHO R&D CÓ THỂ GIÚP KINH TẾ TĂNG TRƯỞNG TỪ 12-15%/NĂM
Theo báo cáo “Đổi mới công nghệ ở Việt Nam: Đánh giá tác động của công nghệ đến tăng trưởng kinh tế”, mặc dù đã có sự cải thiện trong việc phân bổ nguồn lực cho R&D tại Việt Nam trong những năm gần đây nhưng so với mức đầu tư trung bình của các nước khu vực và quốc tế thì Việt Nam vẫn còn khá thấp.
Cụ thể, năm 2019, ngân sách cho R&D tại Việt Nam bằng 0,53% tổng GDP, thấp hơn nhiều so với các nước láng giềng. Giai đoạn này, chỉ có Indonesia và Philippines là có cường độ R&D thấp hơn.
Tuy nhiên, báo cáo cũng cho thấy, các yếu tố công nghệ đóng góp ngày càng nhiều hơn vào tăng trưởng kinh tế của Việt Nam, điển hình là trong giai đoạn 2015-2019.
Theo đó, trong giai đoạn 2015-2019, lần đầu tiên đóng góp của đổi mới công nghệ đã vượt đóng góp của thâm dụng vốn và chiếm tới hơn 50% tổng tăng trưởng kinh tế.
Trong giai đoạn 2015–2019, số doanh nghiệp vừa và nhỏ triển khai các hoạt động liên quan đến đổi mới công nghệ đã tăng 23%. Trong số 500 doanh nghiệp dẫn đầu tại Việt Nam, 85% doanh nghiệp có hoạt động nâng cấp công nghệ và 81% có đầu tư vào R&D, trong đó có 41% các doanh nghiệp tập trung vào R&D để phát triển/ứng dụng công nghệ/sản phẩm mới để đưa ra thị trường nội
Xét cả giai đoạn 2001-2019, đóng góp của đổi mới công nghệ vào tăng trưởng kinh tế đều có xu hướng tăng ở hầu hết các ngành kinh tế.
Theo nhóm nghiên cứu, tác động của đầu tư cho R&D rõ ràng hơn sau 10 năm đầu tư.
Cụ thể, đến năm 2030, tăng 1% của tốc độ tăng ngân sách cho R&D có thể mang lại khoảng 106 nghìn tỷ đồng cho GDP thực của Việt Nam (theo giá năm 2010). Con số này xấp xỉ 1,0% tổng GDP vào năm 2030.
Tuy nhiên, đến năm 2045, tăng 1% tốc độ tăng đầu tư cho R&D sẽ tạo thêm khoảng 600 nghìn tỷ đồng, khoảng 3,7% tổng GDP thực năm 2045. Nguyên nhân là do đầu tư cho R&D cần có thời gian để chuyển đổi thành các tài sản trí tuệ. Việc thương mại hóa và ứng dụng các kết quả nghiên cứu, phát minh, công nghệ trong thực tế thường là một quá trình kéo dài.
Đáng chú ý, với 2 kịch bản xây dựng, báo cáo chỉ ra rằng, tăng đầu tư cho nghiên cứu phát triển cho phép kinh tế Việt Nam tăng trưởng từ 12 đến 15%/năm đến năm 2045.
Trong cả 2 kịch bản, tác động của đầu tư R&D đều thấy rõ ràng hơn sau 10 năm đầu tư. Điều này khẳng định giá trị lâu dài của đầu tư vào đổi mới công nghệ đối với tăng trưởng kinh tế trong tương lai.
Ở kịch bản thứ 1, với giả định Việt Nam sẽ đạt tốc độ tăng trưởng 6%/năm trong 20 năm tới, để Việt Nam đạt được mục tiêu 2%, thì tốc độ tăng chi cho R&D hàng năm của Việt Nam trong 10 năm tới (2021–2030) sẽ cần đạt 22,43% mỗi năm.
Trong khi đó, ở kịch bản 2, với giả định nếu Việt Nam đi theo con đường phát triển tương tự như Hàn Quốc (là một ví dụ điển hình của việc “bắt kịp” thành công nhờ cường độ đầu tư cho R&D), chi tiêu cho R&D đối với nền kinh tế Việt Nam cần tăng trung bình là 24,5%/năm trong 10 năm tới cho đến năm 2030.
Ở khía cạnh khác, sự gia tăng chi tiêu cho R&D cũng có tác động đến sự gia tăng tiêu dùng và đầu tư, chủ yếu là do thu nhập của lao động có kỹ năng và lao động phổ thông có sự gia tăng khi sản xuất phát triển trong nền kinh tế sau này.
Trong đó, báo cáo chỉ ra mức tăng tiêu dùng và đầu tư thu được từ đầu tư R&D có thể lần lượt chiếm tới 20,2% và 11% tổng tiêu dùng và đầu tư vào năm 2045.
Theo: Nhịp sống doanh nghiệp