Trang chủ » TECHFEST 2018: STARTUP Việt muốn đi xa không thể độc hành

ngày 24/10/2022 | 21:13 GMT + 7

TECHFEST 2018: STARTUP Việt muốn đi xa không thể độc hành

Là năm thứ ba được tổ chức, Techfest 2017 đã có sự tăng trưởng ấn tượng về quy mô. Việc quy mô ngày càng mở rộng cho thấy Techfest đã trở thành ngày hội của cộng đồng khởi nghiệp, mang đến những lợi ích thiết thực cho doanh nghiệp, nhà đầu tư…

Sáng 14/11, Ngày hội khởi nghiệp đổi mới sáng tạo 2017 (Techfest 2017) với chủ đề “Kết nối hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo” đã được tổ chức tại Hà Nội. Chương trình có sự tham gia của ông Vũ Đức Đam – Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ và đại diện các bộ, ngành, địa phương trong nước, các đại sứ, tổ chức hỗ trợ khởi nghiệp, nhà đầu tư, startup…

Techfest tăng trưởng ấn tượng về quy mô

Là năm thứ ba được tổ chức, Techfest 2017 đã có sự tăng trưởng ấn tượng về quy mô. Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) Chu Ngọc Anh cho biết: “Nếu như năm 2015, Techfest thu hút hơn 1.000 lượt khách tham gia với hơn 50 nhà đầu tư, quỹ đầu tư mạo hiểm thì sang năm 2016, quy mô này đã tăng lên gấp đôi. Đến năm 2017, Techfest dự kiến thu hút từ 4.000-4.500 người tham dự, 200 doanh nghiệp khởi nghiệp, 130 nhà đầu tư và quỹ đầu tư quốc tế, 80 doanh nghiệp cùng tập đoàn kinh tế lớn. Quy mô ngày càng mở rộng cho thấy, Techfest đã trở thành ngày hội của cộng đồng khởi nghiệp, mang đến những lợi ích thiết thực cho doanh nghiệp, nhà đầu tư, quỹ đầu tư và tổ chức hỗ trợ khởi nghiệp”.

Techfest là một trong nhiều hoạt động được Bộ KH&CN tích cực triển khai nhằm góp phần thúc đẩy sự phát triển của hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo. Là cơ quan được Chính phủ giao làm đầu mối triển khai đề án Hỗ trợ phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia đến năm 2025 theo Quyết định số 844/QĐ-TTg (gọi tắt là đề án 844), Bộ KH&CN đã phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, cơ quan ở trung ương, địa phương xây dựng và triển khai các chương trình trong hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo, tiêu biểu như Bộ Giáo dục và Đào tạo, VCCI, Hội liên hiệp Phụ nữ Việt Nam…

Các sự kiện liên kết vùng phát triển khởi nghiệp đổi mới sáng tạo được tổ chức tại các vùng kinh tế là vùng Trung du miền núi phía Bắc, vùng Đồng bằng sông Hồng, vùng Bắc Trung Bộ… “Cách đây một tuần, Hội nghị Thượng đỉnh kinh doanh Việt Nam 2017 đã dành một phiên chuyên đề về Khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo. Trong khuôn khổ Tuần lễ cấp cao APEC, Bộ KH&CN và Bộ Ngoại giao và Thương mại Australia đã phối hợp tổ chức sự kiện trình diễn về Đổi mới sáng tạo đồng thời công bố Chương trình quan hệ đối tác về đổi mới sáng tạo Australia – Việt Nam (Aus4Innovation)” – Bộ trưởng Chu Ngọc Anh cho biết.

Trong thời gian qua, hoạt động hỗ trợ, kết nối của hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo của Việt Nam cũng đã có những bước phát triển mới. Nhiều startup gọi vốn thành công, với tổng trị giá lên tới 50 triệu, quỹ hỗ trợ khởi nghiệp trị giá 1 tỷ USD đã được hình thành với đầu tư đến từ FPT, Dragon Capital Group, Tập đoàn Hanwha (Hàn Quốc) và Công ty cổ phân Chứng khoán BIDV, VP Bank.

Theo Bộ trưởng Chu Ngọc Anh, từ những kết quả và nỗ lực không ngừng như vậy, “Việt Nam đã có bước tăng trưởng ấn tượng từ vị trí 59/128 lên vị trí 47/127 trong chỉ số đổi mới sáng tạo (GII). Đây là thứ hạng cao nhất Việt Nam từng đạt được từ trước đến nay và là nước dẫn đầu trong các quốc gia có thu nhập trung bình thấp”.

Startup là việc không của riêng ai

Đánh giá cao những kết quả trong phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo của Việt Nam nhưng Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam thẳng thắn nhìn nhận đang mới là bước đầu và còn rất nhiều việc cần làm. “Ví dụ như Luật hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ cần phải có văn bản hướng dẫn cụ thể. Hay như chính sách thuế mới chỉ dừng lại ở ý tưởng, trong tương lai cần phải làm sao để đổi mới luật thuế nhằm tạo thuận lợi và tăng cường thu hút đầu tư vào các doanh nghiệp khởi nghiệp”.

“Chúng ta phải tiếp tục triển khai những vấn đề này để khởi nghiệp không trở thành phong trào vụt lên rồi bẵng đi mà phải liên tục phát triển và dài hơi. Nhiều người nói rằng, đi một mình thì có thể đi nhanh nhưng nếu muốn đi xa thì không thể độc hành. Vì thế, để startup lớn mạnh bền vững cần sự hợp tác thực sự hiệu quả giữa cộng đồng doanh nghiệp khởi nghiệp, nhà đầu tư và nhà nghiên cứu” – Phó thủ tướng Vũ Đức Đam nói.

Theo Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, nếu cứ làm như trước, Việt Nam sẽ không thể tránh khỏi việc thoát khỏi bẫy thu nhập trung bình. Không còn cách nào khác, chúng ta phải nỗ lực thay đổi, trong đó xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo là nhiệm vụ cần sự chung sức đồng lòng mà các bên liên quan “không thể thoái thác”.

Trong năm 2018, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đặc biệt quan tâm đến Đề án về Phát triển hệ tri thức Việt số hóa với mong muốn tạo ra một nguồn dữ liệu mở, các tài nguyên tri thức quý được tập hợp, hệ thống lại để là nơi khởi nguồn của những ý tưởng startup.